Tên gọi các cấu kiện Quy_thức_kiến_trúc_cổ_Việt_Nam

Vì kèo truyền thống với câu đầu nối hai cột cái (hình trên), chồng rường xếp trên xà nách (giữa), và chi tiết chạm khắc (dưới)Ngói lưu ly (ngói ống, ngói lòng máng, ngói âm dương) Việt Nam khai quật tại Hoành Thành Thăng LongChạm khắc trên kẻ bảy, đình Thổ Tang, Vĩnh Phúc

Khung nhà phân không gian nhà thành các gian nhà, thường có các bộ phận sau:

  • Cột là kết cấu đứng chịu nén, thường có các loại cột:
    • Cột cái: cột chính của nhà đặt ở hai đầu nhịp chính tạo chiều sâu cho gian giữa. Nối hai cột cái là câu đầu.
      • Cột quân hay cột con: cột phụ ngắn hơn cột cái, nằm ở đầu nhịp phụ hai bên nhịp chính. Khác biệt chiều cao của cột cái và cột con tạo ra độ dốc của mái nhà. Xà nách nối cột con với cột cái.
    • Cột hiên: nằm ở hiên nhà, phía trước, ngắn hơn cột con. Kẻ bảy nối cột con và cột hiên.
  • Xà là các giằng ngang chịu kéo, liên kết các cột với nhau, gồm có các loại xà nằm trong khung và các loại xà nằm ngoài khung vuông góc với khung. Xà nằm trong khung, thường đặt ở cao độ đỉnh các cột quân để liên kết được cả cột cái và cột quân, gồm:
    • Xà lòng, tức câu đầu hay chếnh: liên kết các cột cái của khung;
    • Xà nách hay thuận: liên kết cột quân vào cột cái, trong khung.
    • Đấu củng: bao gồm hai bộ phận là "đấu" (đóng vái trò là bệ đỡ) và "củng" (giống hình khuỷu tay, đóng vài trò là tay đỡ) được dùng để dỡ kết cấu khác bên trên là mái hiên.
  • Kẻ là các dầm đơn đặt theo phương chéo của mái nhà, gác lên các cột bằng liên kết mộng, thường có các loại kẻ sau:
    • Kẻ ngồi loại kẻ gác từ cột cái sang cột quân, trong khung;
    • Kẻ hiên gác từ cột quân sang cột hiên, trong khung. Một phần kẻ hiên được kéo dài đâm xuyên qua cột hiên để đỡ phần chân mái.
  • Bảy hay bảy hậu hoặc bảy hiên: là dầm nằm trong khung liên kết vào cột quân phía sau nhà, đỡ phần mái vẩy phía sau. Đối với nhà ở thì tiền kẻ, hậu bảy. Đối với các công trình công cộng như đình làng, thường bốn mặt xung quanh đều có hiên thoáng không có cột hiên, nên thường dùng bảy hiên.
  • Câu đầu là dầm ngang chính đặt trên cùng, khoá các đầu trên của các cột cái trong khung (gác lên các cột cái).
  • Con rường hay chồng rường là các đoạn gối đỡ mái dạng dầm gỗ hộp để đỡ hoành mái, được đặt chồng lên nhau. Chiều dài của chúng thu ngắn dần cân theo chiều vát của mái, càng lên cao các con rường bên trên càng ngắn. Ở vì nóc các con rường nằm chồng lên câu đầu.
    • Con lợn còn gọi là rường bụng lợn: là con rường trên cùng, gối lên con rường bên dưới qua hai đoạn cột ngắn gọi là trụ trốn, và làm nhiệm vụ đỡ xà nóc (thượng lương). Bên dưới rường bụng lợn (giữa hai trụ trốn) là ván lá đề thường để điêu khắc trang trí. Con lợn có thể được thay bằng giá chiêng.
    • Rường cụt là loại rường nằm ở vì nách (giữa cột cái và cột quân), chúng nằm chồng trên xà nách, chúng cũng đỡ hoành và vẫn thu dần chiều dài khi lên cao theo độ dốc mái.

Các loại xà nằm ngoài khung gồm có:

Góc tầu đao mái chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử. Phía lộ hồi có "vỉ ruồi" che khoảng tam giác chỗ hai mái trước và sau gặp nhau
  • Xà thượng liên kết đỉnh các cột cái; xà này song song với chiều dài của nhà.
  • Xà hạ hay xà đại, liên kết các cột cái tại cao độ đỉnh cột quân, gần sát vị trí liên kết xà lòng, xà nách vào cột cái. Xà này cũng chạy song song với chiều dài của nhà.
  • Xà tử thượng (xà trên của cột con): liên kết các cột quân của các khung ở bên trên.
  • Xà tử hạ (xà dưới của cột con): liên kết các cột quân của các khung ở bên dưới, tại mức độ cao ngay trên hệ cửa bức bàn.
  • Xà ngưỡng nối các cột quân ở vị trí ngưỡng cửa. Xà này đỡ hệ thống cửa bức bàn.
  • Xà hiên liên kết các cột hiên của các khung.
  • Thượng lương, còn gọi là đòn dông hay Xà nóc đặt trên đỉnh mái.

Các kết cấu mái:

  • Hoành là các dầm chính đỡ mái đặt nằm ngang theo chiều dài nhà, vuông góc với khung nhà.
  • Dui hay rui là các dầm phụ trung gian, đặt dọc theo chiều dốc mái (trực giao với hoành), gối lên hệ thống hoành.
  • là các dầm phụ nhỏ, đặt trực giao với dui, song song với hoành, gối lên hệ dui. khoảng cách giữa các mè là nhỏ nhất, vừa đủ để lợp ngói. Việc sử dụng hệ kết cấu hoành - dui - mè, nhằm phân nhỏ nhịp của kết cấu đỡ mái thành hệ lưới vừa đủ để lát lớp gạch màn và lợp ngói bên trên.
  • Gạch màn là một loại gạch lá nem đơn bằng đất nung, có tác dụng đỡ ngói đồng thời tạo độ phẳng cho mái, chống thấm dột và chống nóng. Gạch màn ngồi trực tiếp trên lớp mè.
  • Đầu ngói hoàng lưu ly khai quật được tại hoàng thành Thăng Long. Niên đại thời LêNgói âm dương (ngói lưu ly) Từ ngàn xưa người Việt đã sáng tạo ra ngói âm dương, cấu tạo bao gồm Ngói Dương là tấm lợp nằm ngửa, còn ngói âm là ngói úp xuống ngói dương. Đón mái sẽ là các cặp ngói âm dương diềm (ngói riềm hoặc ngói diềm, đầu ngói) hay còn được gọi với tên khác như ngói câu đầu hoặc trích thủy, những cặp diềm có hoa văn tinh xảo, họa tiết khắc nổi được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề lão luyện, tăng độ thẩm mỹ của mái ngói, cấu tạo đặc biệt vòng nửa vòng úp đã tạo ra tác dụng tạo khoảng trống giữ khí, thông gió cho mái nhà, giúp quá trình thoát nước được dễ dàng chính cấu trúc thiết kế lợp đặc biệt này mang đến sự thoáng mát vào mùa hè ấm áp vào mùa đông. Bên cạnh đó, ngói âm dương có tuổi thọ khá cao, ước tính phải đến 50 năm mới có dấu hiệu xuống cấp.
  • Ngói mũi hài hay ngói vẩy, bằng đất nung, trực tiếp chống thấm dột và chống nóng, lợp trên lớp gạch màn và cũng có thể có lớp đất sét kẹp giữa, thường dùng cho kiến trúc dân gian, nhà ở người tầng lớp thấp, loại ngói thường thấy ở kiến trúc Thái Lan, Khmer, hay lên rêu nhanh trong điều kiện ẩm thấp, mưa gió.

Các chi tiết kiến trúc khác:

  • Cửa bức bàn
  • Con tiện
  • Dạ tàu
  • Đầu đao
Công trình hai mái, hai đầu hồi bít đốc, đình Kim Liên, Hà NộiCông trình bốn mái: hai mái chính và hai mái chái ở hai đầu nhà

Căn nhà Việt cổ truyền có thể làm theo:

Chùa Hộ, tòa nhà hai mái lộ hồi với trang trí bờ nóc với con kìm, chùa Keo, Thái Bình
  • Hình thức hai mái, hai đầu hồi bít đốc,
  • Hình thức bốn mái, với hai mái phụ hai đầu hồi gọi là hai chái nhà. Mỗi chái nhà gồm có một hàng cột quân (có thể thêm một hàng cột hiên), các hàng cột này xoay vuông góc với các hàng cột trong các gian chính.
  • Hình thức 8 mái chồng diêm.

Truyền thống người Việt thường làm theo nhà theo cơ số lẻ:

  • Phương đình 1 gian chính giữa, bốn xung quanh hệ cột quân đẳng hướng;
  • Nhà 3 gian;
  • Nhà 5 gian hay nhà 3 gian 2 chái;
  • Nhà 7 gian hay nhà 5 gian 2 chái;
  • Nhà 9 gian hay nhà 7 gian 2 chái.

Bộ phận trần thiết

Cửa và cửa sổ trong căn nhà cổ truyền là nơi không gian trong và ngoài tiếp giáp nhau. Nói chung thì cửa ra vào khá lớn, có khi không có cánh cửa mà để ngỏ, chỉ buông rèm hoặc có tấm liếp che. Nếu gắn cánh cửa thì có thể dùng "cửa bức bàn" bằng ván kín. Cầu kỳ hơn thì dùng cửa "thượng song hạ bản" tức là phía trên chấn song, phía dưới làm gỗ kín. Ngưỡng cửa khá cao, người ra vào phải giơ chân bước qua. Cửa sổ thì tương đối nhỏ so với cửa ra vào.